Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) đang trở thành mô hình khởi nghiệp được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng. Vậy khởi nghiệp tinh gọn là gì? Liệu đây có phải nhân tố thay đổi “cuộc chơi” của các startup trong tương lai?
Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup)
Trước khi tìm hiểu về khái niệm khởi nghiệp tinh gọn là gì, chúng ta hãy cùng trả lời câu hỏi startup là gì? Startup là những doanh nghiệp mới thành lập và thường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới, với niềm tin rằng nó sẽ giải quyết nhu cầu còn tồn đọng của khách hàng.
Thế nhưng, bức tranh thực tế cho thấy, 80% startup thất bại trong năm đầu tiên vì các ý tưởng kinh doanh chỉ dựa trên quan điểm chủ quan của nhà sáng lập. Họ nghĩ rằng sản phẩm của mình sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng nhưng thực tế lại không phải vậy. Và khởi nghiệp tinh gọn được ra đời, trở thành giải pháp mới giúp doanh nghiệp “né” được những rủi ro này.
Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) được hiểu là mô hình kinh doanh định hướng cho các startup cung cấp những sản phẩm, dịch vụ được dựa trên nhu cầu đã xác thực, thay vì tạo ra nhu cầu mới và chờ đợi thị trường, khách hàng tiếp nhận. Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn là phương pháp giúp các doanh nghiệp rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm và tìm ra đáp án mô hình kinh doanh có khả thi hay không.
Không chỉ đảm bảo sự an toàn, khởi nghiệp tinh gọn còn là một công cụ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thu được lợi nhuận, từ đó, cắt giảm những chi phí vận hành không cần thiết.
Với sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, gia tăng tỷ lệ thành công và cân đối được bài toán chi phí cho doanh nghiệp nên khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) được đánh giá là làn sóng mới trong khởi nghiệp.
5 nguyên lý khởi nghiệp tinh gọn rút ra từ thực tế
Tóm tắt khởi nghiệp tinh gọn có thể được đúc kết thông qua 5 nguyên lý dưới đây.
Nghiên cứu và tạo ra sản phẩm demo nhanh nhất có thể (Minimum Viable Product)
Trong khởi nghiệp tinh gọn, người chủ doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ demo một cách nhanh nhất có thể, thay vì bắt đầu từ việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm theo cách truyền thống. Bởi lẽ, quá trình tạo ra sản phẩm thử nghiệm sẽ giúp người có ý tưởng khởi nghiệp hiểu được những đặc điểm của sản phẩm mình, biết được lợi ích thực tế và các nhược điểm cần khắc phục.
Nhờ quá trình nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm thử nghiệm sẽ giúp chủ doanh nghiệp phát hiện ra những điểm khác biệt và mới lạ trong từng sản phẩm, dịch vụ.
Xem thêm: Làm giàu với 15+ ý tưởng khởi nghiệp ở nông thôn
Luôn luôn học hỏi, xây dựng và đo lường
Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn là phương pháp mang đến nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp, song, nó cũng đòi hỏi người khởi nghiệp phải luôn luôn học hỏi, tìm tòi để thích ứng với thị trường và cạnh tranh với đối thủ.
Trong quá trình thử nghiệm sản phẩm mới, bạn đừng quá đòi hỏi và kỳ vọng sẽ thành công 100% trên sản phẩm đó. Hãy tung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường để khách hàng trải nghiệm và có những đáng giá khách quan nhất để giúp bạn từng bước hoàn thiện “đứa con” của mình theo hướng tích cực hơn trong quá trình xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài ra, bạn cũng nên trực tiếp đưa những sáng lập viên của mình đi thị trường để cảm nhận phản hồi của khách hàng, từ đó có những định hướng để cải tiến sản phẩm, dịch vụ một cách hiệu quả nhất. Quá trình tiếp nhận phản hồi, học hỏi và cải tiến là cả một quá trình lặp đi lặp lại trong khởi nghiệp tinh gọn, miễn sao tạo ra sản phẩm tốt nhất.
Đo dung lượng thị trường
Xem thêm: Phân biệt khởi nghiệp và lập nghiệp? Có phải khởi nghiệp mới thành công?
Trong khởi nghiệp tinh gọn, nguyên tắc đo dung lượng thị trường với mục đích dự đoán những thay đổi của thị trường và xu hướng người tiêu dùng để xây dựng chiến lược phát triển công ty lâu dài.
Để đo lường thị trường, bạn có thể sử dụng nhiều tham số khác nhau như trực tiếp nghiên cứu thị trường nội địa về nhu cầu sử dụng và trải nghiệm sản phẩm cho đến việc tham chiếu với các công ty nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tương tự bạn. Bạn có thể tham khảo họ về các yếu tố như quy mô, cách thức hoạt động…
Trọng tâm và bảo tồn
Nguyên lý này được đúc kết trong ma trận BCG (tên đầy đủ là ma trận Boston Consulting Group), với mục tiêu giúp các doanh nghiệp đang khởi nghiệp tinh gọn định hướng được chiến lược tăng trưởng thị phần bằng cách xác định rõ các danh mục sản phẩm trong 4 nhóm cụ thể, bao gồm:
- Dấu hỏi (không rõ kết quả thắng thua như thế nào)
- Ngôi sao (sản phẩm đang bán rất chạy)
- Bò sữa (sản phẩm bán đều đặn)
- Chó mực (sản phẩm đang gặp tình trạng không bán được hàng)
Nghiên cứu đối thủ
Nếu sản phẩm của bạn gặp phải đối thủ trên thị trường, đừng lo lắng, bởi đây chính là dấu hiệu tốt cho thấy ý tưởng khởi nghiệp tinh gọn của bạn đang có nhiều tiềm năng để phát triển. Nhìn nhận theo góc độ tích cực sẽ thấy, việc xuất hiện đối thủ sẽ giúp sản phẩm của bạn được khách hàng biết đến nhiều hơn, từ đó, công ty sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu, tạo ra sản phẩm tối ưu với nhiều tiện ích nhất cho khách hàng.
Đây cũng được coi là phép thử cho các doanh nghiệp, nếu không thay đổi hoặc không cải tiến thì sẽ nhanh chóng bị loại khỏi thương trường.
Phân biệt khởi nghiệp tinh gọn với khởi nghiệp kinh doanh truyền thống?
Những thông tin trên đã giúp chúng ta hiểu khởi nghiệp tinh gọn là gì và những nguyên lý trong khởi nghiệp tinh gọn. Vậy nhân tố khởi nghiệp mới này có điểm gì khác biệt so với khởi nghiệp kinh doanh truyền thống?
Theo đó, khởi nghiệp tinh gọn và khởi nghiệp truyền thống có 3 điểm khác nhau lớn nhất.
Định hướng chiến lược kinh doanh
Đầu tiên đó là sự khác biệt về định hướng chiến lược kinh doanh. Đối với doanh nghiệp khởi áp dụng hình thức khởi nghiệp tinh gọn sẽ không xây dựng kế hoạch kinh doanh mới hoàn toàn mà áp dụng mô hình kinh doanh đã có sẵn. Từ những mô hình này sẽ giúp các nhà quản lý có những định hướng ban đầu, sau đó điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng doanh nghiệp.
Do đó, khởi nghiệp tinh gọn giúp chủ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu rủi ro hơn so với việc thử nghiệm các mô hình mới hoàn toàn.
Với khởi nghiệp theo cách truyền thống thì ngược lại, kế hoạch kinh doanh được xây dựng hoàn toàn mới, phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vì thế, việc thành công hay thất bại của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng dẫn dắt của người lãnh đạo. Nhất là khi khởi nghiệp lần đầu, nhà lãnh đạo còn thiếu nhiều kinh nghiệm sẽ không tránh khỏi những quyết định sai lầm, thậm chí dễ dẫn đến thất bại.
Tham khảo thêm: Các Ý tưởng khởi nghiệp để xây dựng định hướng chiến lược kinh doanh
Trọng tâm của quá trình phát triển sản phẩm
Trong khởi nghiệp truyền thống, các doanh nghiệp tập trung hoàn thiện sản phẩm, sau đó tung sản phẩm ra thị trường. Chiến lược này cũng bỏ qua phần khảo sát phản ứng của khách hàng, mà tập trung xây các kế hoạch và định hướng doanh nghiệp theo kế hoạch sau khi sản phẩm đã có mặt trên thị trường.
Còn với khởi nghiệp tinh gọn sẽ luôn đặt khách hàng làm trọng tâm và những sản phẩm mới được gia nhập trên thị trường đều giải quyết thỏa đáng mọi nhu cầu của họ. Những sản phẩm, dịch vụ sẽ được xây dựng kết quả giả định về mức độ đón nhận của khách hàng khi được tung ra thị trường và kết quả kiểm nghiệm thực tế. Cuối cùng, các sản phẩm nhận được sự đón nhận của khách hàng sẽ chính thức có mặt trên thị trường.
So với khởi nghiệp truyền thống mất nhiều nguồn lực để chuẩn bị và chấp nhận rủi ro cao thì khởi nghiệp tinh gọn có độ an toàn và nhanh chóng hơn. Thực tế, sự đón nhận của thị trường với một sản phẩm nào đó là rất khó đoán, nhất là trong quá trình giáo dục khách hàng sẽ mất nhiều thời gian khiến các doanh nghiệp phải “đau đầu” về chi phí và ảnh hưởng đến quá trình gọi vốn trong thời gian đầu.
Quan điểm tuyển dụng và báo cáo tài chính
Quan điểm tuyển dụng của mô hình kinh doanh truyền thống là dựa trên khả năng gắn bó và kinh nghiệm của ứng viên. Trong khi, khởi nghiệp tinh gọn đề cao các ứng viên có tinh thần học hỏi, sự thích nghi và đáp ứng nhanh chóng công việc.
Với sự biến động của thị trường như hiện nay, mô hình khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) có nhiều điểm vượt trội hơn bởi nó giúp doanh nghiệp có được đội ngũ nhân viên nhạy bén và thích ứng linh hoạt trước nhiều tình huống khác nhau.
Xét trên góc độ tài chính, khởi nghiệp tinh gọn sẽ xem xét dựa trên giá trị vòng đời của khách hàng, chi phí có 1 khách hàng mới, độ phủ của sản phẩm trên thị trường, tỷ lệ khách hàng rời bỏ, còn kinh doanh truyền thống lại chú trọng báo cáo thu nhập, báo cáo dòng tiền và bảng cân đối kế toán trong doanh nghiệp.
Góc nhìn tài chính là một phần quan trọng trong tư duy kinh doanh. Đối với khởi nghiệp tinh gọn, khách hàng luôn ở trọng tâm, ngay cả đối với góc nhìn tài chính. Mô hình này sẽ đánh giá hiệu quả kinh doanh thông qua từng chỉ số liên quan đến khách hàng, làm thế nào để khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực và giảm tỷ lệ khách hàng rời bỏ sản phẩm, dịch vụ.
Trong khi đó, khởi nghiệp truyền thống chỉ chú trọng đến việc thu hồi vốn nhanh chóng, thông qua các cách gia tăng doanh thu, tối ưu chi phí và tối đa lợi nhuận.
Những lưu ý khi khởi sự doanh nghiệp với lean startup
Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn là phương pháp kinh doanh nhận được nhiều sự quan tâm của các chủ doanh nghiệp hiện nay. Với khởi nghiệp tinh gọn (lean startup), 100% nguồn lực tập trung đáp ứng sự hài lòng của khách hàng, từ đó duy trì và phát triển doanh nghiệp. Chính vì thế, khởi sự doanh nghiệp với lean startup không những phải linh hoạt trước nhu cầu của khách hàng mà còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác.
Luôn cải tiến theo khách hàng
Đối với mô hình khởi nghiệp tinh gọn, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong nhiều năm dựa trên những dữ kiện của hiện tại là vô cùng lãng phí thời gian. Thay vào đó, các doanh nghiệp tập trung vào thống kế hành vi và nắm bắt phản ứng của khách hàng để cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đó.
Xây dựng mô hình khởi nghiệp tinh gọn, các doanh nghiệp cũng sẽ dần mở rộng quy mô, cải tiến theo thời gian nên những kế hoạch hoạch định từ sớm vừa mất thời gian, vừa không có tính ứng dụng cao.
Thấu hiểu từng điểm chạm đối với khách hàng
Thông qua quá trình kiểm nghiệm sản phẩm trên thị trường, các doanh nghiệp sẽ nắm được phản ứng của khách hàng, đối tác về tính năng sản phẩm, đồng thời, làm rõ quan điểm của họ về mức giá, bao bì sản phẩm, khả năng mua lại… Từ những điểm chạm nhỏ nhất với khách hàng, doanh nghiệp mới có thể khắc phục những vấn đề còn tồn đọng và tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ để duy trì và mở rộng tệp khách hàng.
Nhanh để thắng
Vận dụng mô hình khởi nghiệp tinh gọn, doanh nghiệp không chỉ phải khắc phục nhiều vấn đề mà còn phải xử lý chúng một cách nhanh nhất có thể. Bởi lẽ, khách hàng thay đổi liên tục và nếu không đáp ứng kịp thời nhu cầu, họ sẽ nhanh chóng rời đi hoặc bị đối thủ cạnh tranh giành mất thị phần.
Khởi nghiệp tinh gọn không đòi hỏi dữ liệu khi kiểm nghiệm trên thị trường phải hoàn tất xử lý, miễn là nó đủ tốt để doanh nghiệp nắm bắt khách hàng và giải quyết nhanh chóng nhu cầu của họ.
Xem thêm: Social Entrepreneurship là gì? Đặc điểm của doanh nhân xã hội
Sẵn sàng đối diện với những trường hợp xấu nhất
Trong kinh doanh, rủi ro, thất bại là điều không thể tránh khỏi, với khởi nghiệp tinh gọn cũng vậy. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. Song, với khởi nghiệp tinh gọn, mô hình này định hướng cách xử lý là liên tục rà soát, xác định từng phần là loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Đây cũng là yếu điểm của mô hình khởi nghiệp truyền thống được khắc phục khi áp dụng khởi nghiệp tinh gọn. Vì theo cách cũ, khi thất bại xảy đến, sa thải nhân sự là giải pháp trước hết, thay vì cả tổ chức cùng chuẩn bị tinh thần và xử lý vấn đề.
Ngày nay, đa số các công ty đều nhận thức được rằng, bản thân sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ cả yếu tố chủ quan và khách quan. Để đảm bảo sự sống còn và tăng trưởng bền vững, chính bản thân họ phải tiếp tục phát minh ra nhiều mô hình kinh doanh hiệu quả để vận dụng trong chính doanh nghiệp của mình. Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn được ra đời và nhận được sự tin tưởng của nhiều chủ doanh nghiệp.
Hy vọng những thông tin mà Trường Huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam đã đưa tới trong bài viết này đã giúp các bạn có cái nhìn bao quát về khởi nghiệp tinh gọn, từ đó vận dụng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh sau này.