Mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện chọn ngành – lựa nghề lại khiến các sĩ tử cùng các bậc phụ huynh phải “đau đầu”. Thậm chí, việc lựa chọn ngành nghề theo đam mê bản thân hay sự kỳ vọng của gia đình cũng trở thành chủ đề tranh luận nhiều năm nay.
Cha mẹ nên là người lắng nghe con
Trong bộ phim Nhà Bà Nữ từng có một đoạn hội thoại cao trào: “Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn là thành công trong ước mơ của mẹ”, khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm. Phải chăng thế hệ Gen Z đang phải đối diện trước sự can thiệp vô lý của gia đình trong việc lựa chọn ngành học?
Việc lựa chọn cho con theo học ngành nghề nào sau khi tốt nghiệp THPT luôn là nỗi niềm, băn khoăn của những bậc làm cha, làm mẹ. Với tình yêu thương con vô bờ bến, phụ huynh luôn định hướng con theo đuổi những ngành nghề mình nghĩ rằng sẽ tốt nhất cho con.
Có bậc phụ huynh chuẩn bị để con theo đuổi ngành nghề truyền thống của gia đình. Cũng có người vì lý do nào đó chưa thực hiện được ước mơ ngày trẻ, nay gửi gắm “nhờ” con thực hiện ước mơ ấy.
Theo các chuyên gia, trong việc lựa chọn ngành nghề tương lai, cha mẹ nên là người lắng nghe, đồng hành và định hướng, tránh áp đặt con cái theo những con đường mà chúng không mong muốn. Bởi, mỗi đứa trẻ đều có đam mê riêng, năng lực riêng, không ai giống ai và con cần được phát triển đúng con đường chúng kỳ vọng.
Bên cạnh đó, ngày nay, sự phân bố lao động cũng có nhiều thay đổi. Vài chục năm trước, nhà nhà định hướng con cái theo đuổi các công việc ổn định, an toàn. Song, ở cuộc sống hiện đại này, con cái lại không muốn như vậy. Thế hệ trẻ có sự thay đổi trong tư duy, lối sống, vì thế chúng tìm đến những thử thách, dám nghĩ và dám làm. Chính vì thế, suy nghĩ chọn ngành nghề của phụ huynh và học sinh có sự mâu thuẫn.
Trước tình huống này, cha mẹ cần bình tĩnh, lắng nghe con cái. Thay vì áp đặt, ép buộc, phụ huynh hãy đồng hành cùng con để tìm hiểu về nghề.
Con chọn ngành nghề thế nào cho đúng?
Tương lai của mình nên do chính mình lựa chọn. Vì thế, các bạn trẻ hãy mạnh dạn chọn ngành học đúng đam mê và đúng sở trường của mình. Khi làm công việc yêu thích, bạn sẽ có động lực học hỏi, cố gắng mỗi ngày, phát huy hết năng lực và sở trường. Ngược lại, bạn sẽ không sáng tạo và đặc biệt là không có khát vọng vươn lên trong sự nghiệp nếu làm nghề mình không hứng thú.
Thế nhưng, các bạn cũng cần phân biệt được đâu là ngành nghề bản thân phù hợp và đâu là đam mê nhất thời. Đừng chạy theo số đông hoặc những ngành nghề đang hot mà chưa tìm hiểu kỹ.
Đam mê là một phần, năng lực theo đuổi ngành nghề đó cũng vô cùng quan trọng. Liệu bản thân mình có học tập và theo đuổi ngành này hay không? Có đáp ứng được công việc trong tương lai không? Chỉ khi trả lời được các câu hỏi này, bạn hãy quyết định ngành nghề cho con đường phía trước.