Lựa chọn nghề nghiệp sai sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai phía trước của mỗi chúng ta. Vì thế, việc này cần được “cân đo đong đếm” thật cẩn thận và kỹ lưỡng.
Chọn nghề sai, ảnh hưởng ra sao?
Với học sinh THPT, nhất là các bạn lớp 12, việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai là vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định sự thành – bại của một con người. Song, không phải ai cũng có thể xác định được nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình.
Lựa chọn nghề nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.
Khi lựa chọn nghề nghiệp, nhiều bạn học sinh thường mắc phải những sai lầm như chọn nghề theo trào lưu, vì điều kiện kinh tế… hoặc chỉ dựa vào duy nhất yếu tố năng lực học tập mà không xem xét những yếu tố khách quan khác. Việc không dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu ngành nghề, trường lớp… cùng tâm lý học gì cũng được, miễn là đại học… cũng khiến học sinh sai lầm.
Một khi đã lựa chọn sai nghề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của mỗi con người. Không những không phát huy được hết năng lực, tố chất, mà còn giảm hiệu quả trong công việc, từ đó, khiến tâm lý cảm thấy chán nản, thất vọng và thiếu tự tin trong mọi việc. Cuộc sống tinh thần cũng vì thế mà giảm sút, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Khi nhận ra những sai lầm thường đã muộn, nếu đào tạo lại nghề nghiệp khác sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.
Nguyên tắc chọn nghề nghiệp cho học sinh 12
Lựa chọn nghề nghiệp là cả một quá trình khám phá chính mình và tìm hiểu những tác động khách quan như điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội…
Một số nguyên tắc chọn nghề cho các bạn học sinh chính là chỉ chọn nghề phù hợp với năng lực, đam mê và sở thích của bản thân, không chọn nghề mà bản thân không đáp ứng được về sở thích, năng lực, tính cách, không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu..
Dưới đây là 4 nguyên tắc các chuyên gia xác định để lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh lớp 12.
Bước 1: Tôi thích nghề gì?
Đầu tiên, bạn cần biết mình yêu thích và có hứng thú với điều gì. Những mong muốn về nghề nghiệp sau sao: môi trường làm việc, thu nhập, tính chất công việc, cơ hội thăng tiến… Từ đó lập danh sách thứ tự ưu tiên ngành nghề.
Bước 2: Tôi phù hợp với nghề gì?
Sau khi biết mình thích gì, hãy tìm hiểu yêu cầu của nghề như năng lực, điều kiện lao động để xác định bản thân có phù hợp với công việc đó hay không.
Bước 3: Tôi chọn nghề gì?
Chọn nghề nghiệp bản thân yêu thích và các cơ hội trong nghề mà bản thân có thể đáp ứng được từ năng lực, sức khỏe, điều kiện gia đình.
Bước 4: Tôi nên học ở đâu?
Nghề đó thuộc lĩnh vực nào và những trường nào đào tạo lĩnh vực đó. Sau đó, lập danh sách các trường top đầu đào tạo tốt, xác định điểm chuẩn – chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo…